CẢNH BÁO NGUY HIỂM TIỀM ẨN TỪ PHÁO NỔ TỰ CHẾ
2025-01-02 14:15:00.0
Pháo nổ tự chế: Nguy hiểm cận kề
Hiện nay, trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, không khó để tìm thấy các video, bài viết hướng dẫn cách chế tạo pháo nổ từ các loại tiền chất, hóa chất dễ kiếm. Bên cạnh đó, các vật liệu như lưu huỳnh, kali clorat, bột nhôm... được rao bán tràn lan, không rõ nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Việc chế tạo pháo nổ yêu cầu sự chính xác tuyệt đối và các biện pháp an toàn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hầu hết thanh, thiếu niên đều thực hiện một cách sơ sài, thiếu hiểu biết về tính chất hóa học của các vật liệu. Khi pha trộn các chất này sai tỷ lệ hoặc bất cẩn trong quá trình quấn, nén pháo, rất dễ gây ra cháy nổ ngay lập tức, khiến người làm pháo gặp phải tai nạn nghiêm trọng như: Bỏng nặng, tổn thương da và các bộ phận cơ thể; Đứt lìa các ngón tay, bàn tay do sức ép của vụ nổ hoặc gây tổn thương mắt và thính giác do sóng xung kích mạnh.
Không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp cho người làm pháo, vụ nổ còn có thể làm cháy nhà, lan rộng ra khu vực xung quanh, đe dọa tính mạng và tài sản của gia đình, hàng xóm.
Hệ lụy pháp lý từ việc tự chế pháo nổ
Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm” quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: sử dụng hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm; lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng pháo không còn giá trị sử dụng.
Liên quan đến pháo, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một số hành vi như: chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo; làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo; che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo; mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo. Không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với những hành vi như: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi như: vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Mỗi gia đình, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng chung tay phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng trên.
Hãy nói không với pháo nổ tự chế để bảo vệ an toàn cho chính bạn và cộng đồng!
Công an thành phố Thái Nguyên